ĐÁM CƯỚI TRUYỀN THỐNG
Lễ dạm hỏi
“Dạm ngõ” hay còn gọi là lễ xem mặt, là buổi gặp gỡ chính thức giữa nhà trai và nhà gái nhằm xem xét gia đình hai bên có “môn đăng hộ đối” hay không. Đây là dịp để chính thức hoá mối quan hệ của hai bạn để chuẩn bị tiến đến hôn nhân. Sau khi được sự đồng ý của nhà gái, nhà trai chuẩn bị trầu cau, hoa quả, bánh kẹo và báo trước cho nhà gái để chọn thời điểm thích hợp đưa lễ vật đến nhà gái để thắp hương, Điều đặc biệt cần ghi nhớ trong lễ dạm ngõ là các lễ vật đều phải là số chẵn.
Lễ ăn hỏi
Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai họ.
“Năm miếng trầu thành dâu nhà người”
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Ví dụ như bánh cốm, bánh phu thê, chè, thuốc lá, rượu, hạt sen, trầu cau, lợn sữa quay. Số lượng mâm quả thường là chẵn, tượng trưng cho ý nghĩa có đôi có cặp.
Lễ rước dâu
Được tổ chức tại nhà gái trong ngày cử hành hôn lễ. Nhà trai đưa chú rể sang làm lễ trước bàn thờ gia tiên nhà gái, xin phép rước dâu về nhà chồng.
“Mang sang một thúng xôi vò,
một con lợn béo một vò rượu tăm.
Cho em đôi chiếu em nằm,
đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo
giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”
Lễ cưới
“Tay bưng dĩa muối chấm gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”
Tiệc cưới là buổi tiệc của gia đình tổ chức để mời họ hàng, bè bạn, người thân đến để chung vui đồng thời là lễ ra mắt của cô dâu, chú rể đối với họ hàng, bạn bè và người thân của họ. Bữa tiệc này thường được tổ chức rất trang trọng. Tiệc cưới được nhà trai và nhà gái tổ chức riêng hay chung tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và sự lựa chọn của chính họ.
Lễ lại mặt 
Sau đêm tân hôn, hai vợ chồng trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên, ông bà cha mẹ, đi chào họ hàng thân nhân bên nhà gái. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau ngày cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ) tuỳ theo khoảng cách xa gần và hoàn cảnh cụ thể mà định ngày.